Tin vĩ mô Vĩ mô Việt Nam:
1.Triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ ngay trong quý I/2022
Chiều ngày (28/1), Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, gói hỗ trợ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt coi trọng với nhiều giải pháp để phục hồi kinh tế sau 2 năm dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ sáng cùng ngày, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị quyết gồm 2 nội dung về chương trình phục hồi và triển khai Nghị quyết 43 Quốc hội khóa XV về chính sách tài khóa tiền tệ để hỗ trợ chương trình phục hồi. Trong đó nhấn mạnh thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ giải pháp đồng bộ:
Nhiệm vụ | |
Nhóm 1 | Mở cửa nền kinh tế, nâng cao năng lực phòng chống dịch bệnh tránh tổn hại đến nền kinh tế và y tế, đặc biệt là y tế dự phòng. Đây là nhiệm vụ cần tiếp tục được triển khai. |
Nhóm 2 | Đảm bảo an sinh xã hội, việc làm, hỗ trợ cho người lao động làm việc. |
Nhóm 3 | Hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với nhiều giải pháp như: hỗ trợ tiền thuê đất, hỗ trợ phí trước bạ, cho vay không lãi suất… |
Nhóm 4 | Phát triển cơ sở hạ tầng, tập trung nguồn lực đầu tư công để hoàn thành dứt điểm tuyến cao tốc Bắc-Nam phía đông. |
Nhóm 5 | Tiếp tục cải cách thể chế, thủ tục hành chính. Đây là nhóm giải pháp rất quan trọng trong lúc chúng ta mở cửa phục hồi đón các nhà đầu tư quay trở lại. |
Với tính cấp bách như vậy, trong Nghị quyết này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tham mưu Chính phủ cần triển khai ngay gói hỗ trợ và giải ngân ngay trong 2 năm 2022-2023. Với những nhiệm vụ đưa ra cho các bộ, ngành, cần triển khai càng nhanh càng tốt và chậm nhất trong quý I/2022, ông Đông nhấn mạnh. Theo Thứ trưởng Trần Duy Đông, một số nhiệm vụ khác về kinh tế đã được các bộ, ngành chủ động thực hiện rất khẩn trương, ví dụ như chính sách miễn giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% còn 8% đã được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành nên việc thực hiện ngay gói hỗ trợ là rất cấp bách và cần thiết.
Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội gồm chính sách hỗ trợ tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ tiền tệ khoảng 46.000 tỷ đồng, hỗ trợ qua các quỹ khác gần 10.000 tỷ đồng và một số khoản khác. Tổng quy mô gói hỗ trợ gần 350.000 tỷ đồng.
2.Việt Nam có thể mở cửa sớm du lịch quốc tế.
Chiều ngày 28/1, tại Hà Nội đã diễn ra buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ cùng với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, ban ngành. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 1 năm 2022, doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 8% so với tháng trước và giảm 11,9% so với cùng kỳ; du lịch lữ hành tăng 2,7% so với tháng trước và giảm 35,6% so với cùng kỳ cho thấy dấu hiệu hồi phục ngành du lịch trong nước sau quãng thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch.
Thứ trưởng Bộ Giao Thông Vận Tải Nguyễn Ngọc Đông nhận định, việc mở cửa du lịch có sự liên quan chặt chẽ với vận tải. Hiện tại các hãng hàng không đã mở, kết nối các điểm quốc tế và hoạt động trong những ngày vừa qua. Việc duy trì hoạt động này đã phục vụ tốt hơn cho việc đi lại của người dân, đặc biệt là những người đi xa về đón Tết. Tuy nhiên điều kiện quan trọng nhất không phải vận tải mà là kiểm soát dịch. Để kiểm soát dịch chúng ta phải có thực hiện hướng dẫn chung của Nhà nước, Bộ Y tế quy định kiểm soát dịch của những nước kết nối.
Ngoài ra ông Đông cho biết, ở thời điểm hiện tại, tiến trình tiêm vaccine, phát động tiêm của Việt Nam đã và đang đạt được hiệu quả rất tốt với mức độ phủ sóng lớn. Do vậy, thời gian dự kiến mở cửa có thể rút ngắn. Nếu quá trình rà soát trước, sau Tết đáp ứng đủ điều kiện, việc mở thêm hoặc toàn bộ thì sẽ được tiến hành. |